Tổng quan

Ung thư bạch cầu là một loại ung thư máu ảnh hưởng đến các tế bào bạch cầu trong tủy xương - nơi tạo ra các tế bào máu. Nguyên nhân là do sự gia tăng bất thường của các tế bào bạch cầu lấn át dần các tế bào khỏe mạnh khác trong cơ thể. Ung thư bạch cầu có nhiều loại khác nhau, mỗi loại sẽ có các triệu chứng và phương pháp điều trị riêng.

Các loại ung thư bạch cầu

Có hai cách phân loại phổ biến các bệnh bạch cầu khác nhau dựa trên: tốc độ tiến triển của bệnh và sau đó là loại tế bào bạch cầu bị ảnh hưởng.

  • Tốc độ tiến triển của bệnh

    Ung thư bạch cầu cấp tính (phát triển nhanh) và ung thư bạch cầu mạn tính (phát triển chậm). Ung thư bạch cầu cấp phát triển nhanh và cần điều trị ngay, trong khi đó ung thư bạch cầu mạn tính tiến triển chậm hơn và trong thời gian dài hơn.
  • Loại tế bào bạch cầu bị ảnh hưởng

    Bệnh bạch cầu dòng lympho và bạch cầu dòng tủy.

Các phân loại phụ ung thư bạch cầu khác nhau được hình thành dựa trên các phân loại phổ biến như trên, mỗi loại có các triệu chứng và phương pháp điều trị riêng.

  • Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (ALL)

    ALL là loại ung thư bạch cầu phổ biến nhất ở trẻ nhỏ và cũng có thể xảy ra ở người lớn. Ung thư bắt đầu phát triển trong các tế bào lympho, là tế bào chịu trách nhiệm cho hoạt động của hệ thống miễn dịch.
  • Bệnh bạch cầu mạn dòng Lympho (CLL)

    CLL chủ yếu ảnh hưởng đến người trưởng thành và được đặc trưng bởi sự tích tụ các tế bào lympho bất thường trong máu, tủy xương và các hạch bạch huyết. Đây là một dạng bệnh bạch cầu tiến triển chậm. Các triệu chứng thường xuất hiện ở giai đoạn tiến triển.
  • Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (AML)

    AML là loại ung thư bạch cầu bắt đầu trong các tế bào tủy xương là nơi tạo ra các tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở người trưởng thành nhưng cũng có thể xuất hiện ở trẻ em.
  • Bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (CML)

    CML được đặc trưng bởi các tế bào tủy xương sinh sản quá mức dẫn đến tích tụ các tế bào bạch cầu chưa trưởng thành. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở người trưởng thành và ban đầu tiến triển chậm.

Nguyên nhân & triệu chứng

Nguyên nhân gây bệnh & yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân chính xác gây ra ung thư bạch cầu hiện vẫn chưa được biết rõ, nhưng có một số yếu tố nguy cơ gây bệnh đã được xác định. Những yếu tố nguy cơ này bao gồm:

  • Tiền sử điều trị ung thư

    Những người đã từng điều trị một số loại hóa chất hoặc xạ trị cho các bệnh ung thư khác sẽ có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cao.
  • Rối loạn di truyền

    Một số bất thường về di truyền, chẳng hạn như hội chứng Down, hội chứng Li-Fraumeni và hội chứng Bloom, có nguy cơ cao mắc ung thư bạch cầu.
  • Tiếp xúc với hóa chất

    Việc tiếp xúc lâu dài hoặc với một lượng lớn một số hóa chất, chẳng hạn như benzen có trong xăng và được sử dụng trong ngành hóa chất sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu.
  • Phơi nhiễm bức xạ

    Tiếp xúc với tia xạ mức độ cao, chẳng hạn như từ vụ nổ bom nguyên tử hoặc xạ trị, có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư bạch cầu.
  • Hút thuốc

    Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (AML).
  • Tiền sử gia đình

    Có tiền sử gia đình mắc ung thư bạch cầu, đặc biệt là ở những người thân thế hệ thứ nhất, yếu tố này có thể làm tăng nhẹ nguy cơ mắc bệnh.

Điều quan trọng cần lưu ý là nhiều bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu cũng không có yếu tố nguy cơ nào có thể xác định được.

Dấu hiệu & triệu chứng của bệnh ung thư bạch cầu

Các triệu chứng của ung thư bạch cầu có thể khác nhau tùy thuộc vào loại bệnh và mức độ tiến triển. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Mệt mỏi và cảm thấy khó thở
  • Sốt, ớn lạnh và đau xương
  • Sụt cân
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu
  • Hạch bạch huyết bị sưng

Chẩn đoán ung thư bạch cầu

Nếu có dấu hiệu và triệu chứng cho thấy ung thư bạch cầu, bệnh nhân sẽ cần làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán:

  • Xét nghiệm máu

    Các mẫu máu được phân tích để đánh giá số lượng và sự xuất hiện của các tế bào máu, bao gồm bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu.
  • Chọc hút và sinh thiết tủy xương

    Một mẫu nhỏ tủy xương được lấy từ xương chậu hoặc xương ức bằng kim. Sau đó mẫu được kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định tế bào bất thường.

Điều trị ung thư bạch cầu

Phương pháp điều trị ung thư bạch cầu phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm: loại ung thư bạch cầu chính và phụ, tuổi và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân và giai đoạn bệnh. Một số lựa chọn điều trị bao gồm:

  • Hóa trị

    Thuốc hóa trị được sử dụng để tiêu diệt và ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển. Kết hợp các loại thuốc khác nhau có thể áp dụng điều trị tùy thuộc vào loại ung thư bạch cầu.
  • Liệu pháp nhắm mục tiêu

    Các liệu pháp nhắm mục tiêu đặc biệt tấn công các tế bào ung thư và không làm ảnh hưởng đến tế bào khỏe mạnh. Những phương pháp điều trị này hoạt động bằng cách can thiệp vào các phân tử hoặc con đường cụ thể liên quan đến sự phát triển của ung thư.
  • Liệu pháp miễn dịch

    Liệu pháp miễn dịch giúp kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận biết và tiêu diệt các tế bào ung thư. Ví dụ, liệu CAR-T pháp tế bào là một phương pháp điều trị kích thích hệ miễn dịch để các tế bào của bệnh nhân xác định và tiêu diệt các tế bào ung thư.
  • Cấy ghép tế bào gốc

    Cấy ghép tế bào gốc, còn được gọi là cấy ghép tủy xương là phương pháp thay thế tủy xương bị tổn thương hoặc bị phá hủy bằng các tế bào gốc khỏe mạnh.
  • Chăm sóc hỗ trợ

    Bao gồm các phương pháp điều trị nhằm kiểm soát triệu chứng và tác dụng phụ thông qua truyền máu, sử dụng kháng sinh và/hoặc các phương pháp giảm đau.

Kế hoạch điều trị ung thư bạch cầu có thể khác nhau tùy theo từng bệnh nhân, tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như loại ung thư, tuổi tác và sức khỏe. Các chương trình điều trị cá nhân hóa đã thành công trong việc điều trị một số trường hợp ung thư bạch cầu ở giai đoạn tiến triển. Để đạt được điều đó, nhóm chuyên gia chăm sóc sức khỏe đa ngành tại PCC bao gồm bác sĩ ung thư, bác sĩ huyết học và chuyên gia chăm sóc hỗ trợ sẽ hợp tác cùng nhau để cung cấp dịch vụ chăm sóc ung thư phù hợp và riêng biệt cho từng bệnh nhân.

Tiên lượng bệnh ung thư bạch cầu

Kết quả điều trị của nhiều bệnh nhân mắc bệnh ung thư bạch cầu đã được cải thiện đáng kể nhờ những tiến bộ trong phương thức điều trị, chẳng hạn như liệu pháp miễn dịch và liệu pháp nhắm mục tiêu. Tuy nhiên, tiên lượng vẫn phụ thuộc vào một số yếu tố như phân loại chính, phụ của ung thư bạch cầu và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.

Trẻ em và thanh thiếu niên thường có tỷ lệ sống sót cao hơn so với người trưởng thành. Điều quan trọng cần lưu ý là những tiến bộ trong công nghệ y khoa và phương pháp điều trị đã cải thiện đáng kể tiên lượng và tỷ lệ sống sót đối với nhiều dạng bệnh ung thư bạch cầu. Một số loại bệnh ung thư bạch cầu có tỷ lệ thuyên giảm bệnh cao hơn và sống sót lâu dài, trong khi những loại khác có thể có tiến triển hung hăng hơn.

Phòng ngừa & tầm soát bệnh ung thư bạch cầu

Không có tầm soát định kỳ đối với bệnh ung thư bạch cầu mặc dù xét nghiệm máu có thể giúp chỉ ra sự bất thường. Mặc dù không có cách nào đảm bảo ngăn ngừa bệnh bạch cầu, nhưng một số lựa chọn lối sống nhất định có thể giúp giảm nguy cơ bao gồm:

  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh giàu trái cây và rau xanh
  • Tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại, chẳng hạn như benzen
  • Bỏ hút thuốc và tránh hút thuốc thụ động
  • Hạn chế uống rượu
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • Tham gia hoạt động thể chất thường xuyên

Chuyên mục hỏi đáp (FAQ)

Collapse All
Expand All

Bệnh ung thư bạch cầu là một bệnh ung thư tương đối phổ biến ở Singapore. Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng 684 trường hợp mắc bệnh tại Singapore ở cả hai giới và mọi lứa tuổi. Đây cũng là bệnh ung thư nhi phổ biến nhất trên thế giới. Tại Singapore, mỗi năm có khoảng 150 trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, trong đó 2/3 là các trường hợp mắc bệnh ung thư bạch cầu.

Số lượng bệnh nhân mắc bệnh ung thư máu ở Singapore đang gia tăng đều đặn. Số liệu mới nhất của SEER được hỗ trợ bởi Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với tất cả các loại bệnh ung thư bạch cầu là 65,7%. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm dùng để xem xét có bao nhiêu người vẫn còn sống sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán bệnh.

Ngoài các phương pháp điều trị tiêu chuẩn, nghiên cứu đang diễn ra còn tập trung vào việc phát triển các phương pháp điều trị mới và cải tiến dành cho bệnh ung thư bạch cầu. Các phương pháp điều trị thử nghiệm, chẳng hạn như liệu pháp nhắm mục tiêu, liệu pháp miễn dịch và liệu pháp tế bào CAR-T đang được nghiên cứu để cải thiện kết quả và cung cấp các phương pháp điều trị hiệu quả và ít độc hại hơn cho bệnh nhân.