Tổng Quan

Hóa trị là gì?

Hóa trị là các loại thuốc thường được dùng trong điều trị ung thư. Thuốc hóa trị sử dụng các hợp chất hóa học mạnh để tiêu diệt các tế bào ung thư trong cơ thể.

Tế bào ung thư là phiên bản đột biến ác tính, phát triển nhanh so với tế bào bình thường. Nếu không có phương pháp điều trị hiệu quả như hóa trị để ngăn chặn tế bào phát triển và / hoặc tiêu diệt chúng, các tế bào ung sẽ phát triển vượt tầm kiểm soát của hệ thống miễn dịch cơ thể và gây hại.

Tại sao hóa trị được sử dụng như một phương pháp điều trị ung thư?

Hóa trị là một phương pháp không thể thiếu trong điều trị ung thư, đặc biệt là trong giai đoạn cuối khi tế bào ung thư đã xâm lấn từ vị trí khối u ban đầu sang các bộ phận cơ thể khác (di căn). Không giống như phẫu thuật hoặc xạ trị tập trung vào các khối u “cục bộ”, hóa trị có thể nhắm đến mục tiêu các tế bào ung thư trên toàn cơ thể khi thuốc lưu thông trong máu – yếu tố này giúp hóa trị trở thành một lựa chọn tuyệt vời để điều trị ung thư toàn thân.

Hóa trị được sử dụng ở giai đoạn nào của bệnh ung thư?

Bác sĩ chuyên khoa ung bướu, với chuyên môn về ung thư - có thể đưa ra phác đồ hóa trị cho các bệnh ung thư ở tất cả các giai đoạn. Có thể chỉ hóa trị hoặc kết hợp với xạ trị hoặc phẫu thuật để cải thiện kết quả điều trị.

Khi thuốc hóa trị đi vào máu, thuốc phân tán nhanh chóng đến nhiều vị trí khác nhau và phát huy tác dụng tiêu diệt ung thư. Vì thế nhiều bệnh nhân ung thư đã di căn thường được hóa trị theo chu kỳ.

Nhiều bệnh nhân bị ung thư vú, đại tràng, dạ dày, phổi giai đoạn 2 hoặc 3 có thể thuyên giảm bệnh nhờ hóa trị vì các bác sĩ dựa vào hóa trị để loại bỏ một số lượng nhỏ tế bào ung thư phân tách từ khối u ban đầu và xâm lấn các bộ phận cơ thể khác qua đường máu hoặc hạch bạch huyết. Các khối di căn nhỏ đó (“micro” là rất nhỏ) quá nhỏ để quan sát trên hình ảnh chụp chiếu thông thường nhưng việc tiêu diệt chúng là vô cùng quan trọng. Vì thế hóa trị đóng vai trò quan trọng trong việc "dọn sạch" những mầm mống nguy hại này.

Điều Trị Hóa Chất

Có nhiều loại hóa chất. Mỗi loại hóa chất có một cơ chế hoạt động riêng phù hợp với các loại ung thư hoặc tình trạng bệnh nhân khác nhau. Trong một số trường hợp, kết hợp hóa trị khác nhau theo những cách khác nhau sẽ nâng cao hiệu quả điều trị. Bác sĩ chuyên khoa ung thư sẽ thảo luận với bệnh nhân về lựa chọn điều trị tốt nhất có thể, dựa trên tình trạng của từng bệnh nhân.

Thuốc hóa chất được đưa vào cơ thể qua các đường sau:

  • Truyền tĩnh mạch: Hóa trị thông thường được truyền vào tĩnh mạch. Bác sĩ hoặc y tá sẽ cắm ống kim vào tĩnh mạch trên cánh tay bệnh nhân hoặc gắn thiết bị vào tĩnh mạch vùng ngực.
  • Dùng đường uống: Một số loại thuốc hóa chất có thể dùng dưới dạng viên nén hoặc viên nang.
  • Các đường đặc biệt: Đôi khi bác sĩ chuyên khoa ung thư sẽ nhắm mục tiêu vào một vùng cụ thể có các tế bào ung thư. Từ đó thuốc hóa chất sẽ truyền trực tiếp đến khu vực đó. Ví dụ, đưa thuốc vào khoang trong ổ bụng (hóa trị trong phúc mạc), dịch bao quanh cột sống (hóa trị tiêm nội tủy mạc), hoặc vào bàng quang (hóa trị trong bàng quang).
  • Hóa chất dạng kem bôi: Có những trường hợp hóa trị sử dụng kem hoặc gel để bôi lên da. Loại này thường được dùng để điều trị ung thư da.

Cơ chế hoạt động của hóa trị?

Thuốc hóa trị hoạt động theo nhiều hướng khác nhau nhưng đều có cùng mục đích trị liệu: nhắm vào chu kỳ phát triển tế bào ung thư và tiêu diệt các tế bào đang phân chia.

Chu kỳ tế bào là một loạt các giai đoạn mà tế bào trải qua để phát triển đầy đủ chức năng. Tế bào ung thư thường có chu kỳ tế bào phát triển rất nhanh - một yếu tố mang tính đe dọa tới các tế bào khỏe mạnh. Thuốc hóa chất khai thác lợi thế sinh học này để phá hủy tế bào ung thư khi chúng phân chia.

Tuy nhiên, những loại thuốc này không thể phân biệt hoàn toàn giữa tế bào khỏe mạnh và tế bào ung thư. Điều này có nghĩa là một số tế bào khỏe mạnh cũng bị tấn công trong quá trình điều trị. Các tế bào bình thường phát triển nhanh như da và tóc bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đây là lý do tại sao hóa trị dẫn đến tác dụng phụ như rụng tóc.

Thuốc hóa chất

Thuốc hóa chất phân nhóm dựa trên cơ chế hoạt động và thành phần hóa học. Mỗi nhóm nhắm vào các tế bào ung thư ở các giai đoạn phát triển khác nhau.

  • Nhóm Alkylating: Loại thuốc này phá vỡ DNA của tế bào ung thư để ngăn chúng phân chia. Alkylating là loại thuốc hóa chất lâu đời nhất. Các ví dụ phổ biến bao gồm cyclophosphamid và cisplatin.
  • Chất chống chuyển hóa: Những loại thuốc này can thiệp vào sự trao đổi chất của tế bào để ngăn chặn ung thư phát triển. Các chất chống chuyển hóa thường được sử dụng để chống lại bệnh bạch cầu và ung thư vú, bao gồm những thuốc như 5-fluorouracil và methotrexate.
  • Anthracyclin: Anthracyclin là thuốc kháng sinh đầu tiên được điều chế từ vi khuẩn có đặc tính chống ung thư. Chúng liên kết với DNA nên ức chế quá trình phân chia khiến tế bào ung thư không thể sản sinh. Các ví dụ phổ biến bao gồm doxorubicin và daunorubicin.
  • Thuốc ức chế topoisomeras: Những loại thuốc này can thiệp vào các enzym gọi là topoisomeras, là nhóm có khả năng phân tách sợi DNA giúp chúng phân chia và sao chép. Thuốc trong nhóm này bao gồm etoposid và irinotecan.
  • Thuốc ức chế phân bào: Những loại thuốc này ngăn chặn quá trình phân chia tế bào (nguyên phân) bằng cách can thiệp vào quá trình sản xuất các protein thiết yếu (tubulin). Thuốc ức chế phân bào bao gồm docetaxel, paclitaxel và vinblastin.
  • Nitrosoureas: Đây là nhóm Alkylating có thể đi vào não, được sử dụng trong điều trị một số dạng ung thư não. Ví dụ về nitrosoureas bao gồm carmustin và lomustin.
  • Corticosteroid: Đây là các hormon tự nhiên hoặc các hợp chất tương tự hormone giúp ích trong quá trình điều trị ung thư. Các bác sĩ cũng có thể sử dụng thuốc này để ngăn ngừa buồn nôn và nôn. Corticosteroid phổ biến bao gồm prednison và dexamethason.

Tác Dụng Phụ Của Hóa Trị

Tôi cần biết gì về tác dụng phụ của hóa trị?

Hầu hết người bệnh thường lo lắng về tác dụng phụ của hóa trị, nhưng đôi khi triệu chứng không đến nỗi nghiêm trọng như tưởng tượng.

Tùy vào cơ địa và tình trạng sức khỏe, mỗi người sẽ xuất hiện các tác dụng phụ khác nhau. Một số phương pháp hóa trị có thể gây ra nhiều tác dụng phụ hơn những phương pháp khác.

Bác sĩ sẽ trao đổi về phương pháp nào là tốt nhất cho bệnh nhân. Họ sẽ lựa chọn một phương pháp điều trị tối ưu, hiệu quả nhưng ít tác dụng phụ nhất. Bác sĩ thường tránh kết hợp các loại thuốc gây ra cùng dạng tác dụng phụ.

Các tác dụng phụ thường gặp khi hóa trị

Dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến mà bệnh nhân có thể gặp phải khi hóa trị:

  • Mệt mỏi
  • Rụng tóc
  • Buồn nôn và nôn
  • Tiêu chảy
  • Chán ăn
  • Đau miệng và đau khi nuốt
  • Dễ bị bầm tím
  • Xuất huyết
  • Thay đổi ham muốn tình dục và chức năng tình dục

Mỗi phương pháp hóa trị sẽ có tác dụng phụ riêng. Hầu hết các tác dụng phụ xuất hiện tạm thời và giảm dần sau khi kết thúc hóa trị. Một vài loại thuốc hóa trị cụ thể có thể gây tổn thuơng các tế bào ở tim, thận, bàng quang, phổi và hệ thần kinh. Khi sử dụng các loại thuốc này sẽ có các phương pháp hỗ trợ và phòng ngừa đặc biệt.

Bác sĩ sẽ cung cấp thông tin và hỗ trợ bệnh nhân trong suốt quá trình hóa trị nhưng không nên xem nhẹ sự xuất hiện của các tác dụng phụ mới hoặc những thay đổi nghiêm trọng. Một số tác dụng phụ có thể là dấu hiệu của những nguy cơ lớn hơn và bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ ngay.

Làm thế nào để giảm thiểu tác dụng phụ của hóa trị?

Dưới đây là một số mẹo để giảm thiểu tác dụng phụ và cải thiện tình trạng sức khỏe trong thời gian hóa trị.

Mệt mỏi: nghỉ ngơi thường xuyên hoặc ngủ giấc ngắn trong ngày có thể giảm bớt mệt mỏi. Tập thể dục nhẹ như đi bộ kèm nghỉ ngơi đầy đủ để duy trì năng lượng. Đôi khi, hóa trị có thể gây thiếu máu hoặc lượng hồng cầu thấp. Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu để chẩn đoán thiếu máu và điều trị tình trạng này.

Rụng tóc: Không phải tất cả các dạng hóa trị đều gây rụng tóc. Nhưng nếu thấy tóc bắt đầu thưa dần, người bệnh có thể đổi dầu gội dịu nhẹ hơn hoặc sử dụng lược chải tóc mềm. Đôi khi da đầu sẽ trở nên nhạy cảm và cảm thấy mềm. Cần tránh ánh nắng chiếu vào trực tiếp, hoặc thường xuyên sử dụng kem chống nắng. Ngoài ra, bệnh nhân cần cân nhắc đội mũ lưỡi trai, khăn quàng cổ, hoặc đội tóc giả.

Buồn nôn và nôn: Thay đổi chế độ ăn uống giúp giảm bớt cơn buồn nôn và nôn. Nên ăn khẩu phần nhỏ nhưng chia thành nhiều bữa trong ngày. Tránh dùng thức ăn gây kích thích dạ dày, chẳng hạn như đồ chiên hoặc các món nhiều dầu mỡ. Bác sĩ sẽ kê thuốc chống buồn nôn nếu các triệu chứng vẫn tiếp diển.

Loét miệng: Lở loét miệng (viêm niêm mạc) gây đau đớn có thể là tác dụng phụ của hóa chất. Bác sĩ sẽ đưa bệnh nhân loại nước xúc miệng đặc biệt để làm dịu cơn đau và thúc đẩy làm liền vết loét. Đối với một số bệnh nhân, bác sĩ cũng sẽ cân nhắc thay đổi hóa chất. Nhưng quan trọng nhất vẫn là giữ gìn vệ sinh răng miệng thật tốt.

Sử Dụng Thực Phẩm Chức Năng Khi Hóa Trị

Nhiều bệnh nhân muốn bồi dương sức khỏe bằng thảo dược hoặc thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, thuốc hóa chất và thực phẩm chức năng khi kết hợp với nhau sẽ sinh ra tác dụng phụ.

Một số thực phẩm chức năng có ảnh hưởng đến nồng độ hóa trị liệu trong máu. Điều này thường xảy ra do chất bổ sung can thiệp vào quá trình chuyển hóa thuốc hoặc điều chỉnh hoạt động của một số enzym quan trọng. Thuốc hóa trị là các hợp chất có cửa sổ điều trị hẹp (có nghĩa là một chút thay đổi nồng độ trong máu sẽ tác động đến kết quả điều trị), sự thay đổi nồng độ trong máu ngoài ý muốn có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Ví dụ, chiết xuất trà xanh (có tên khoa học là epigallocatechin gallate, hoặc EGCG) được biết là tương tác với các loại thuốc hóa trị như irinotecan và fluorouracil, dẫn đến tăng nồng độ thuốc trong máu và có khả năng gây độc.

Một chất bổ sung phổ biến khác, St. John's Wort, cũng tương tác với nhiều loại thuốc hóa trị, bao gồm irinotecan, methotrexat và docetaxel. Cũng có một số báo cáo về việc củ nghệ gây ra độc tính gan khi dùng chung với paclitaxel.

Thuốc hóa trị có thể tương tác với một số loại thuốc không kê đơn phổ biến như axit folic (vitamin B9) và thuốc giảm đau NSAID (ví dụ như ibuprofen). NSAID làm chậm quá trình bài tiết nhiểu loại hóa trị tại thận (ví dụ như methotrexate), làm phát sinh tác dụng phụ rõ rệt. Dùng nhiều axit folic có thể làm giảm hiệu quả của một số loại hóa trị, đặc biệt là những hóa trị nhằm mục đích phá vỡ axit folic (hóa trị liệu chống phân tử, chẳng hạn như methotrexate và pemetrexed)

Hãy thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ về bất kỳ thực phẩm chức năng hoặc thuốc không kê đơn nào đang dùng, bao gồm thảo dược, thuốc đông y cũng như vitamin và khoáng chất.

Câu Hỏi Thường Gặp

Collapse All
Expand All

Thông thường hóa trị liệu không gây đau đớn. Loại hóa trị cụ thể như Oxaliplatin có thể gây khó chịu khi truyền vào tĩnh mạch cánh tay. Một số ít bệnh nhân gặp phải các tác dụng phụ như lở miệng và kích ứng dây thần kinh thì sẽ gây đau đớn.

Hóa trị sử dụng hóa chất mạnh để tiêu diệt ung thư. Mặc dù có thể lo ngại về các tác dụng phụ, nhưng hóa trị vẫn là một trong những phương pháp quan trọng để chống lại ung thư. Mặt khác, những người không bị ung thư sẽ thấy các loại thuốc này vô cùng độc hại. Người chăm sóc bệnh nhân cần phải tuân theo các biện pháp phòng ngừa an toàn và tránh để các thành viên trong gia đình tiếp xúc với thuốc hóa trị tại nhà. Cần trao đổi với bác sĩ vì biện pháp đề phòng an toàn có thể thay đổi tùy theo hóa trị bạn đang dùng.

Hóa trị thường được kết hợp với các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như xạ trị, phẫu thuật hoặc liệu pháp miễn dịch; Do đó để đánh giá tỷ lệ thành công của mỗi hóa trị liệu là không khả thi. Tuy nhiên, tỷ lệ sống sót sẽ tốt hơn khi phát hiện sớm ung thư. Ví dụ, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư vú giai đoạn 1 được hóa trị là gần 100%, nhưng tỷ lệ này giảm xuống còn 26% khi ung thư bước vào giai đoạn 4.

Tamoxifen là một loại liệu pháp hormon chủ yếu được sử dụng để điều trị ung thư vú.

Hóa trị thường được phân chia theo chu kỳ. Điều này có nghĩa là bệnh nhân sẽ trải qua một chu kỳ điều trị, nghỉ ngơi và phục hồi . Một chu kỳ thường kéo dài từ 1-4 tuần nhưng thời gian có thể thay đổi tùy thuộc vào loại hóa chất bệnh nhân sẽ dùng. Mỗi đợt điều trị gồm 4-6 chu kỳ. Bệnh nhân được khuyến khích hoàn thành tất cả các chu kỳ hóa trị, hoặc tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.

Đôi khi, ung thư có thể tái phát vài năm sau khi hoàn thành quá trình điều trị. Điều này không có nghĩa là hóa trị không hiệu quả. Điều trị ung thư rất khó - chỉ cần một vài tế bào ung thư còn sót thì sẽ phát triển trở lại thành khối u. Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị để kiểm soát ung thư tái phát, vì vậy hãy trao đổi bác sĩ về vấn đề này nếu bệnh nhân lo lắng.

Hầu hết các tác dụng phụ sẽ giảm dần sau khi kết thúc hóa trị nhưng một số có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng. Cần trao đổi với bác sĩ nếu tác dụng phụ kéo dài quá lâu sau khi hóa trị.