Ung thư hạch bạch huyết Hodgkin: Cải thiện cơ hội chữa khỏi

Đóng góp bởi: Bác Sĩ Ivan Tham Weng Keong

Chữa ung thư hạch bạch huyết Hodgkin

Bác sĩ Ivan Tham thuộc Trung tâm Ung thư Parkway thông tin cơ hội chữa trị căn bệnh ung thư máu này đã được cải thiện như thế nào.

Ngày nay, khi thấy bệnh nhân mới chẩn đoán mắc bệnh ung thư hạch bạch huyết Hodgkin, chúng ta có thể trấn an họ rằng cơ hội chữa khỏi của họ là gần 90%, ngay cả khi bệnh ở giai đoạn tiến triển.

Thật vậy, đây là một trong những câu chuyện thành công trong cuộc chiến chống ung thư, và là một mô hình cho thấy các nhóm bác sĩ và nhà khoa học khác nhau có thể cùng nhau chống lại một kẻ thù chung hiệu quả ra sao.

Từ thời điểm căn bệnh này lần đầu tiên được mô tả bởi nhà nghiên cứu bệnh học người Anh Thomas Hodgkin vào năm 1832 đến đầu thế kỷ 20, bệnh Hodgkin đã được coi là không thể chữa được. Trên thực tế, rất lâu về sau căn bệnh này mới được coi là một dạng bệnh ung thư.

Những bác sĩ hành nghề vào những năm 1900 bắt đầu sử dụng xạ trị (RT) để làm giảm các triệu chứng bằng cách nhắm mục tiêu và thu nhỏ các hạch bạch huyết bị ảnh hưởng.

Từ những năm 1920 đến 1940, họ bắt đầu sử dụng xạ trị một cách có hệ thống, sử dụng các cổng điều trị bức xạ lớn hơn để bao quát các vùng hạch liền kề do sự lây lan tự nhiên của bệnh, không chỉ các hạch phì đại.

Năm 1950, bác sĩ Vera Peters, một nhà bác sĩ-nhà khoa học triển vọng ở Toronto, đã công bố danh sách ban đầu gồm 113 bệnh nhân được điều trị bằng xạ trị. Cô đã sử dụng một hệ thống phân loại lâm sàng ba giai đoạn và cho thấy nhiều bệnh nhân mắc bệnh ở giai đoạn đầu có thể được kiểm soát bằng xạ trị.

Tuy nhiên, việc điều trị cục bộ lại không mang lại kết quả tốt đối với giai đoạn bệnh tiến triển.

Mặc dù kết quả của Tiến sĩ Peters, ban đầu còn bị hoài nghi nhưng đóng góp của cô cũng mang lại hi vọng trong cộng đồng ung thư.

Điều trị đa phương thức

Cũng trong khoảng thời gian đó, vào năm 1943, mù tạc nitơ đã được thử nghiệm trong điều trị bệnh Hodgkin tại Đại học Yale. Đáp ứng với điều trị này khá là kịch tính, nhưng mang tính tạm thời.

Trong những năm 1960 và 1970, kết hợp thuốc mới được tìm thấy và chứng minh là rất hiệu quả.

Từ những năm 1970 trở đi, các thử nghiệm đã bắt đầu tối ưu hóa sự kết hợp giữa các loại thuốc hóa trị với xạ trị, phù hợp với xu hướng điều trị kết hợp tốt hơn so với chỉ xạ trị.

Khi tỷ lệ chữa khỏi được cải thiện, các bác sĩ bắt đầu thấy tác dụng phụ lâu dài từ xạ trị hoặc hóa trị. Bao gồm ung thư thứ phát phát sinh bên trong hoặc gần khu vực được điều trị bằng xạ trị. Điều này đặc biệt đáng lo ngại, vì nhiều bệnh nhân mắc ung thư hạch Hodgkin là trẻ em hoặc thanh niên.

Do đó, một số nghiên cứu hợp tác đã bắt đầu thử nghiệm giảm liều bức xạ hoặc vùng tiếp nhận bức xạ, hay bỏ qua hoàn toàn liệu pháp xạ trị.

Năm 2017, Thư viện Cochrane đã tóm tắt dữ liệu từ bảy nghiên cứu ngẫu nhiên lớn so sánh hóa trị đơn thuần với hóa trị kết hợp xạ trị.

Kết hợp phương pháp xạ trị đã được nhận định giúp làm giảm 58% nguy cơ tiến triển bệnh (tỷ lệ nguy hiểm 0,42) và cải thiện khả năng sống sót so với chỉ dùng hóa trị (tỷ lệ nguy hiểm 0,31). Điều này cho thấy điều trị kết hợp có thể chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân hơn so với hóa trị liệu đơn thuần đối với ung thư hạch Hodgkin cục bộ.

Áp dụng Chẩn đoán hình ảnh chức năng tiên tiến

Áp dụng phương pháp chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET), các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đã chứng minh rằng những bệnh nhân có đáp ứng điều trị tốt sau hóa trị liệu ban đầu sẽ có tỷ lệ chữa khỏi cao hơn so với những người vẫn có khối u nhìn thấy được.

Điều này đặt ra câu hỏi: Nếu khối u không còn thấy khi chụp PET thì bệnh nhân có thể bỏ qua liệu pháp xạ trị “không cần thiết” hay không?

Gần đây, ba nghiên cứu ngẫu nhiên lớn đã được công bố nhằm cố gắng trả lời câu hỏi này. Trong cả ba nghiên cứu, bệnh nhân ung thư hạch Hodgkin giai đoạn đầu đã được chụp PET sau hai hoặc ba chu kỳ hóa trị ABVD kết hợp. Những người có phản ứng tốt được chọn ngẫu nhiên để điều trị RT.

Rõ ràng, việc bổ sung xạ trị đã cải thiện tỷ lệ sống không tiến triển bệnh thêm từ 6,3% lên 11,9%. Không có sự khác biệt về tỉ lệ sống sót chung, có khả năng do bệnh nhân tái phát có thể được tiếp tục điều trị thành công bằng phương pháp điều trị chuyên sâu như ghép tế bào gốc.

Những kết quả này cho thấy chụp PET có thể không phải là phương pháp tốt nhất để hướng điều trị giảm leo thang ở nhóm bệnh nhân này.

Ngược lại, những người phản ứng kém với điều trị trên PET có thể được điều trị thêm nhằm cố gắng chữa khỏi. Đối với bệnh tiến triển, xạ trị nên được sử dụng để nhắm mục tiêu vào các khu vực vẫn còn hoạt động thấy trên phim chụp PET, mặc dù có hóa trị tích cực.

Tầm quan trọng của sự hợp tác

Kết quả điều trị tốt bệnh ung thư hạch Hodgkin được thấy ngày hôm nay là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học và các nhóm bác sĩ khác nhau làm việc hướng tới một mục tiêu chung - để chữa khỏi căn bệnh ung thư này.

Nhưng chữa bệnh là không đủ: Chúng tôi hướng đến việc chữa trị mà không để lại biến chứng.

Nghiên cứu đang được tiến hành để điều trị tùy theo thể trạng từng người để bệnh nhân có được “vừa đủ, không quá nhiều.”

Ngoài ra, chúng tôi đang tìm cách để giảm độc tính muộn của điều trị. Ví dụ, việc sử dụng liệu pháp chùm tia proton có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư thứ hai bằng cách giảm một số liều bức xạ không cần thiết cho cơ thể so với xạ trị photon tiêu chuẩn.

Phần nhiều trong số những phát triển này sẽ mất nhiều năm để đi đến kết quả. Hiện tại, chúng ta có thể sử dụng mô hình này cho chăm sóc đa ngành để tối ưu hóa việc chăm sóc cho bệnh nhân hiện nay.

Ung thư hạch bạch huyết Hodgkin là gì?

Ung thư hạch bạch huyết là một loại ung thư máu ảnh hưởng đến các mô bạch huyết nơi các tế bào lympho bình thường trở thành ung thư. Hai nhóm chính là ung thư hạch bạch huyết Hodgkin và ung thư hạch bạch huyết không Hodgkin. Phân loại tùy thuộc vào loại tế bào lympho và giai đoạn của vòng đời tế bào lympho.

Nguyên nhân gây bệnh?

Nguyên nhân của bệnh ung thư hạch bạch huyết Hodgkin là không rõ ràng, mặc dù một số yếu tố được biết là có liên quan như:

  • Vi-rút như vi-rút suy giảm miễn dịch ở người và vi-rút Epstein-Barr
  • Chất gây ung thư môi trường
  • Một số rối loạn di truyền hiếm gặp

Triệu chứng thường gặp

  • Các hạch bạch huyết bị sưng ở cổ, dưới cánh tay và vùng bẹn
  • Sốt kéo dài và tái phát
  • Giảm cân không giải thích được
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Ăn mất ngon

Xuất hiện những triệu chứng này không có nghĩa là bạn bị ung thư hạch bạch huyết; nhiều khi những triệu chứng này không phải do ung thư. Tuy nhiên, nếu bạn có những triệu chứng này, hãy đi khám bác sĩ để bạn có thể được chẩn đoán đúng và được điều trị thích hợp.

Tuổi 15-30 và trên 55

Độ tuổi những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hạch bạch huyết Hodgkin 

1,1 trên 100.000 (Nam)
0,7 trên 100.000 (Nữ)

Nam giới có nhiều khả năng mắc ung thư hạch bạch huyết Hodgkin hơn nữ giới.

Tỷ lệ chữa khỏi 90%

Ung thư hạch bạch huyết Hodgkin có khả năng điều trị cao

ĐÃ ĐĂNG TRÊN Các phương pháp điều trị ung thư
GẮN THẺ các bệnh rối loạn máu, các loại thuốc điều trị ung thư, các phương pháp điều trị ung thư mới, đột phá mới nhất về ung thư, hóa trị, liệu pháp hóa xạ trị, sưng hạch bạch huyết, ung thư cục bộ, ung thư giai đoạn 4, ung thư máu, xạ trị
Đọc thêm Lymphoma, Lymphoma không hodgkin , Ung thư hạch bạch huyết hodgkin
ĐƯỢC PHÁT HÀNH 15 THÁNG BẢY 2020