Tổng quan

U lympho là một loại ung thư máu bắt nguồn từ hệ bạch huyết. U hình thành khi các tế bào chống nhiễm trùng của hệ miễn dịch, được gọi là tế bào lympho, trải qua những thay đổi bất thường và bắt đầu phát triển không kiểm soát được.

Tế bào lympho có ở nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể, bao gồm các hạch bạch huyết, lá lách, tuyến ức và tủy xương.

Các loại U lympho

Có hai loại U lympho chính:

  • U lympho không Hodgkin

    U lympho không Hodgkin chiếm hơn 90% các trường hợp U lympho ở Singapore. Có hơn 60 loại U lympho không Hodgkin. Hầu hết các phân loại phụ đều thuộc hai nhóm chính - U Lympho tế bào B hoặc U lympho tế bào T. Một số phân loại phụ bao gồm: u lympho thể nang, u lympho tế bào B lớn lan tỏa (DLBCL), u lympho MALT, u lympho tế bào Mantle, u lympho tế bào B ở da, u lympho tế bào T ở da, u lympho tế bào T ngoại biên, u lympho tế bào lớn bất sản và bệnh tăng Globulin đại phân tử Waldenstrom.

  • U lympho Hodgkin

    Mặt khác, U lympho Hodgkin lại ít phổ biến hơn. Các triệu chứng khá giống với U lympho không Hodgkin nhưng khi quan sát dưới kính hiển vi, các tế bào được gọi là tế bào Reed-Sternberg chỉ hiện diện trong U lympho Hodgkin. Những tế bào lớn bất thường này là những tế bào B ác tính.

Mỗi loại U lympho đều liên quan đến các loại tế bào lympho khác nhau và có tốc độ tăng trưởng cũng như đáp ứng điều trị khác nhau.

Nguyên nhân & triệu chứng

Nguyên nhân gây bệnh & yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây bệnh U lympho hiện vẫn hiện vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, chúng ta có một số yếu tố nguy cơ sau:

  • Tuổi

    U lympho không Hodgkin phổ biến hơn ở những người từ 60 tuổi trở lên, trong khi U lympho Hodgkin thường được chẩn đoán ở những người từ 15 - 40 tuổi hoặc những người trên 55 tuổi.
  • Giới tính

    Mặc dù U lympho có thể ảnh hưởng cả nam và nữ, nhưng một số loại phụ thường sẽ thiên về một giới.
  • Hệ thống miễn dịch yếu

    Những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương, chẳng hạn như những người nhiễm HIV/AIDS, người được ghép tạng hoặc những người mắc bệnh tự miễn sẽ có nguy cơ mắc U lympho cao hơn.
  • Nhiễm virus

    Nhiễm trùng do virus như Epstein-Barr, viêm gan C, ung thư bạch cầu /U lympho tế bào T ở người (HTLV-1) đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh U lympho.
  • Tiền sử gia đình

    Trong gia đình có một người họ hàng gần mắc bệnh ung thư hạch có thể làm tăng khả năng mắc U lympho.
  • Tiếp xúc với một số hóa chất

    Tiếp xúc với Benzen và thuốc trừ sâu trong môi trường làm việc sẽ làm tăng nguy cơ mắc U lympho.

Mặc dù tất cả các yếu tố này có thể làm tăng khả năng phát triển U lympho, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là ung thư vẫn có thể phát triển ở những người không có những yếu tố nguy cơ như trên.

Dấu hiệu & triệu chứng của U lympho

U lympho thường có một số dấu hiệu sau:

Các hạch bạch huyết bị sưng, thường không đau và nổi rõ ở cổ, nách hoặc háng.

  • Ho dai dẳng
  • Hụt hơi
  • Sốt
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Mệt mỏi
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Ngứa

Điều quan trọng cần nhớ là những triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý khác. Vì vậy phải tham khảo ý kiến ​​bác sĩ chuyên khoa ung thư để chẩn đoán chính xác bệnh.

Chẩn đoán U lympho

Để chẩn đoán U lympho, cần đánh giá toàn diện và thường làm một hoặc các kiểm tra sau:

  • Khám lâm sàng

    Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, đặc biệt chú ý đến các hạch bị sưng. Tuy nhiên, sưng hạch bạch huyết không nhất thiết là dấu hiệu của ung thư vì cũng có thể là do viêm nhiễm.
  • Sinh thiết hạch

    Nếu bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh U lympho thì sẽ làm sinh thiết hạch. Sinh thiết sẽ cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần hạch làm xét nghiệm chuyên sâu để xác định hiện diện của các tế bào ung thư.
  • Xét nghiệm chẩn đoán

    Các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán, đánh giá giai đoạn bệnh và kiểm soát U lympho bao gồm:
    • Chụp CT

      Chụp cắt lớp vi tính (CT) tạo ra hình ảnh chi tiết về các cấu trúc bên trong cơ thể như vị trí hoặc kích thước của khối u.
    • Chụp MRI

      Chụp cộng hưởng từ sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết về các cơ quan và cấu trúc bên trong cơ thể.
    • Chụp PET

      Chụp PET sử dụng chất phóng xạ để phát hiện các tế bào ung thư trong khắp cơ thể.

Điều trị U lympho

Việc điều trị U lympho phụ thuộc vào loại tế bào và giai đoạn bệnh. Các lựa chọn điều trị bao gồm:

  • Hóa trị

    Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư và dùng bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Hóa trị được truyền theo các khoảng thời gian quy định, hóa trị là một trong những phương thức điều trị phổ biến nhất và bệnh nhân sẽ có thời gian nghỉ ngơi hồi phục giữa mỗi chu kỳ.
  • Xạ trị

    Xạ trị sử dụng các tia xạ năng lượng cao để nhắm mục tiêu và tiêu diệt các tế bào ung thư. Có thể xạ trị riêng hoặc kết hợp với hóa trị.
  • Liệu pháp miễn dịch

    Liệu pháp miễn dịch như liệu pháp tế bào T mang thụ thể kháng nguyên dạng khảm (CAR) hoặc sử dụng kháng thể đơn dòng đế kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận biết và loại bỏ các tế bào ung thư.
  • Liệu pháp nhắm mục tiêu

    Kháng thể đơn dòng cũng có thể sử dụng trong các liệu pháp nhắm mục tiêu để cản trở sự phát triển của tế bào U lympho.
  • Cấy ghép tế bào gốc hoặc cấy ghép tủy xương

    Các tế bào gốc khỏe mạnh từ tủy xương hoặc từ người hiến, mà có khả năng sản sinh tế bào máu mới, sẽ được chiết xuất và truyền vào máu của bệnh nhân rồi đưa lại vào cơ thể để giúp tái tạo lại hệ thống miễn dịch.

Điều quan trọng là những người gặp phải các triệu chứng kéo dài hoặc lo ngại mắc U lympho cần đến gặp bác sỹ để được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Việc phát hiện và can thiệp sớm có thể cải thiện đáng kể tiên lượng và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Tiên lượng bệnh U lympho

Tiên lượng cho những bệnh nhân mắc u lympho phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm loại u lympho, giai đoạn bệnh, tuổi của bệnh nhân, phương pháp đã điều trị và tình trạng sức khỏe có từ trước. Với những tiến bộ trong điều trị, nhiều bệnh nhân u lympho đang có chất lượng cuộc sống tốt hơn do tác dụng phụ ít hơn và kết quả khả quan hơn.

Phòng ngừa & tầm soát U lympho

Không có xét nghiệm tầm soát định kỳ hoặc xét nghiệm máu trực tiếp để phát hiện U lympho. Không có biện pháp nào có thể ngăn ngừa U lympho. Để giảm thiểu nguy cơ U lympho, nên có lối sống lành mạnh, như các bước được liệt kê dưới đây:

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng
  • Bỏ thuốc lá
  • Hạn chế uống rượu bia
  • Luyện tập thể dục đều đặn

Chuyên mục hỏi đáp (FAQ)

Collapse All
Expand All

U lympho không di truyền và không truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, tiền sử gia đình mắc bệnh U lympho có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư.

Nói chung, U lympho là một trong những bệnh ung thư có khả năng điều trị cao nhất. Tuy nhiên, tiên lượng có thể khác nhau tùy thuộc vào một số yếu tố như phân loại bệnh và mức độ nghiêm trọng khi chẩn đoán và điều trị.

Theo Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapore, U lympho là loại ung thư phổ biến thứ năm ở nam và nữ Singapore trong giai đoạn 2015-2019. Trong khoảng thời gian 5 năm từ 2014 - 2018, Báo cáo thường niên năm 2018 của Cơ quan đăng ký ung thư Singapore đã báo cáo có 4.176 trường hợp U lympho ở Singapore.