Tin tức & Bài báo

Thay Đổi Nhỏ, Tác Động Lớn: 5 Cách Làm Giảm Nguy Cơ Mắc Ung Thư

Những thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống và lối sống có thể tạo ra sự khác biệt lớn.
1. DUY TRÌ CÂN NẶNG KHỎE MẠNH
Việc thừa cân sẽ dẫn đến tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư, bao gồm: ung thư thực quản, tuyến tụy, gan, đại tràng, ung thư vú sau mãn kinh, thận và nội mạc tử cung.
Cách theo dõi tình trạng sức khỏe:
→ Chỉ số khối cơ thể (BMI): 18.5–25kg/m²
→ Vòng eo: Tăng nguy cơ nếu số đo trên 102cm (nam) hoặc 88cm (nữ)
Để tính chỉ số BMI, hãy chia cân nặng (tính bằng kg) cho chiều cao² (tính bằng mét). Khi chúng ta già đi, các tình trạng như loãng xương và cong vẹo cột sống có thể làm tăng chỉ số BMI mà không làm tăng thêm cân nặng. Mỡ bụng trở nên phổ biến hơn ở giai đoạn tuổi xế chiều khiến vòng eo trở thành một chỉ số đánh giá hiệu quả hơn.
2. ĂN NHIỀU NGŨ CỐC NGUYÊN HẠT, RAU XANH, TRÁI CÂY VÀ ĐẬU HƠN
Chế độ ăn nhiều chất xơ giúp kiểm soát cân nặng bằng cách giúp bạn cảm thấy no lâu hơn. Chất xơ cũng làm giảm cholesterol và hỗ trợ nhu động ruột đều đặn, giúp loại bỏ các chất có hại ra khỏi ruột. Các vi khuẩn có lợi trong ruột chuyển hóa chất xơ thành axit béo lành mạnh, từ đó làm giảm nguy cơ ung thư.
Ăn ít nhất 20g chất xơ mỗi ngày.
Thay thế những thực phẩm này bằng các lựa chọn lành mạnh hơn:
• Gạo trắng → Gạo lứt
• Bánh mì trắng → Bánh mì nguyên cám
• Ngũ cốc có đường → Yến mạch cán mỏng
• Khoai tây chiên → Các loại hạt
3. GIẢM TIÊU THỤ CÁC THỰC PHẨM SIÊU CHẾ BIẾN
Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng tiêu thụ quá nhiều thực phẩm siêu chế biến sẽ làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư. Mặc dù không phải là thủ phạm duy nhất, nhưng thực phẩm chế biến sẵn thường chứa chất phụ gia, chất bảo quản và thậm chí là chất gây ô nhiễm dẫn đến làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Thêm vào đó, chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn thường có nghĩa là lượng tiêu thụ các thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt ít hơn.
Ví dụ về thực phẩm siêu chế biến bao gồm:
• Bánh quy
• Khoai chiên và snack khoai tây
• Nước ngọt và đồ uống tăng lực
• Xúc xích và thịt chế biến lại
4. HẠN CHẾ ĐỒ UỐNG CÓ ĐƯỜNG
Đồ uống có đường, bao gồm cả nước ép trái cây, góp phần gây ra các bệnh ung thư liên quan đến béo phì. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo cần hạn chế lượng đường tiêu thụ không quá 5 thìa cà phê (25g) mỗi ngày, nhưng hiện tại người Singapore đang tiêu thụ khoảng 12 thìa cà phê (58g) mỗi ngày, chủ yếu là từ đồ uống.
Giảm lượng đồ uống có đường bằng những mẹo sau:
→ Dùng nước lọc hoặc đồ uống ít đường.
→ Thêm chanh, lát cam hoặc lá bạc hà để thêm hương vị cho nước uống.
→ Chọn đồ uống có logo Lựa chọn lành mạnh hoặc xếp hạng Nutri-Grade A hoặc B.
→ Không bỏ đường trong cà phê và trà.
5. HẠN CHẾ HOẶC KHÔNG UỐNG RƯỢU BIA
Ngay cả việc uống rượu ở mức độ vừa phải cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Rượu phá hủy chuỗi DNA, làm tăng tình trạng viêm và khiến các tế bào dễ bị tổn thương hơn với các chất gây ung thư. Uống rượu làm tăng nguy cơ ung thư vùng miệng, họng, thực quản, thanh quản, vú (ở phụ nữ), gan, đại tràng và trực tràng.
Những điều cần lưu ý:
→ Nếu không uống rượu bia thì đừng thử.
→ Cắt giảm rượu bia sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh, nhưng ngay cả sau 10 năm kiêng rượu, những người đã từng uống rượu vẫn phải đối mặt với nguy cơ ung thư miệng và họng cao hơn.
Những thay đổi nhỏ, dễ kiểm soát này sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư. Hãy biến chúng thành thói quen hàng ngày để có sức khỏe tốt hơn cho hôm nay và mai sau.
ĐÃ ĐĂNG TRÊN | Dinh dưỡng, Phòng ngừa Ung thư |
GẮN THẺ | healthy food, béo phì và ung thư, chế độ ăn và dinh dưỡng cho người mắc ung thư, lối sống lành mạnh, quản lý cân nặng, thực phẩm và nấu ăn lành mạnh |
Đọc thêm | Ung thư đại trực tràng , Ung thư gan , Ung thư nội mạc tử cung, Ung thư thận , Ung thư thực quản, Ung thư tuyến tụy , Ung thư vú |
ĐƯỢC PHÁT HÀNH | 01 Tháng Tư 2025 |