Quay Trở Lại Với Cuộc Sống Thường Nhật Sau Điều Trị Ung Thư


Cuộc sống sau ung thư

Bác sỹ Tan Wu Meng, Trung tâm ung thư Parkway, bàn về việc chuẩn bị của những bệnh nhân ung thư cho “cuộc sống mới” sau điều trị.

Đối với nhiều bệnh nhân ung thư, việc kết thúc điều trị đánh dấu một sự khởi đầu mới trong cuộc sống của họ.

Thoát ra khỏi vòng xoáy trị liệu, nhiều bệnh nhân ung thư được khuyên thay đổi lối sống nhằm giảm nguy cơ bệnh tái phát. Tuy nhiên, với một số bệnh nhân mọi thứ hoàn toàn khác biệt. Và họ phải trải qua một hành trình tìm kiếm và chấp nhận “một cuộc sống” mới sau điều trị.

Tái khám

Những cuộc tái khám với bác sỹ là điều đương nhiên và tần suất tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người. Một số bệnh nhân cần kiểm tra máu, chụp cộng hưởng từ hoặc chụp cắt lớp, hoặc có thể là nội soi. Nhìn chung, nếu thể trạng của bệnh nhân được duy trì tốt, các lần ghé thăm sẽ thưa dần.

Đối mặt với những thay đổi của cơ thể

Cơ thể của người bệnh có thể thay đổi do việc điều trị. Đôi khi sẽ mất thời gian để làm quen với những thay đổi đó.

Lo lắng hậu ung thư là điều hoàn toàn hiểu được. Điều này giúp bạn hiểu thêm về cơ thể mình, nhưng đừng để nỗi sợ lấn át khi thấy những dấu hiệu, triệu chứng biến chuyển của cơ thể. Nếu bạn đang lo lắng điều gì, hãy chia sẻ với bác sỹ của bạn để được tiến hành kiểm tra thêm nếu cần thiết.

Duy trì thể lực ở phong độ tốt nhất

Hãy lên một kế hoạch dài hơi chăm sóc sức khỏe sau điều trị ung thư.

Những bệnh nhân sau điều trị ung thư nên ngừng hút thuốc (và không bắt đầu nếu như họ chưa từng) và tránh xa đồ uống có cồn. Việc này sẽ đẩy lùi nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.

Sự thay đổi về chế độ ăn có thể hữu ích. Các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyên chúng ta nên ăn các loại thực phẩm bắt nguồn từ thực vật như đậu, rau và hoa quả. Lựa chọn các thực phẩm có lượng muối và chất béo thấp, tránh các thực phẩm chế biến sẵn.

Có rất nhiều bệnh nhân chăm nấu ăn tại gia sau điều trị bởi họ có thể kiểm soát lượng muối, dầu và đường tiêu thụ.

Hoạt động tăng cường thể chất cũng mang lại nhiều lợi ích cho họ. Những hoạt động ở mức độ vừa phải như đi bộ, đạp xe hay bơi khoảng nửa tiếng mỗi ngày sẽ góp phần làm giảm khả năng ung thư tái phát, giảm bớt phiền muộn và trầm cảm, giúp trạng thái của bệnh nhân trở nên tích cực hơn, tràn đầy năng lượng và yêu đời hơn.

Những bệnh nhân hậu ung thư thường tò mò về việc sử dụng thuốc bổ sung hoặc thuốc thay thế sau điều trị, bao gồm thực phẩm chức năng hoặc các loại vitamin. Một số người còn tìm hiểu về các Phương pháp Đông Y (TCM). Dù là loại thuốc hay thực phẩm gì, bệnh nhân cũng nên tham vấn ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng.

Những người sống sót sau ung thư có thể cân nhắc tham gia các đội nhóm ủng hộ. Những nhóm này thường được thành lập bởi các bệnh viện, các chuyên gia tư vấn hay bởi chính những bệnh nhân sống sót điều trị ung thư thành công. Sự ủng hộ cũng như tư vấn từ đội nhóm cho phép bệnh nhân dễ dàng chia sẻ về cảm xúc với những người tham gia bởi có thể họ đang trải qua hoàn cảnh tương tự về cơ thể hay về các mối quan hệ xung quanh. Thông qua việc chia sẻ những trải nghiệm, họ giúp các bệnh nhân vượt qua những khó khăn ở nhà, ở nơi làm việc hay trường học.

Chuẩn bị quay lại công việc

Khoảng thời gian điều trị ung thư có thể đồng nghĩa với việc tạm rời xa công việc. Đó có thể là quãng thời gian đầy phiền muộn về chuyện gia cửa, đặc biệt là đối với bệnh nhân từng là trụ cột chính trong gia đình.

Sẽ hữu hiệu hơn khi bệnh nhân ung thư đã có thời gian suy nghĩ và chuẩn bị cho việc quay trở lại với công việc. Việc đi làm lại sớm hay muộn còn phụ thuộc vào những biến chuyển dài hạn của bệnh và quá trình điều trị, việc chăm sóc sau điều trị cũng như tính chất công việc.

Tốt nhất là nên bắt đầu thật nhẹ nhàng khi mới bắt đầu quay lại, nếu có thể, hãy đề nghị với cấp trên thu xếp tạo điều kiện cho bạn quay trở lại làm việc toàn thời gian một cách từ từ. Trong một số trường hợp, một vị trí biệt lập trong công ty sẽ phù hợp hợp với quá trình hồi phục.

Có nhiều lợi ích bệnh nhân sau ung thư nhân được khi quay trở lại với công việc. Sự tự tin của bạn sẽ tăng lên, trong khi các mối quan hệ xã hội với đồng nghiệp và đối tác cũng được củng cố thêm.

Tuy nhiên, đôi khi một số bệnh nhân có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, gặp các vấn đề về nhận thức và kể cả đau đớn. Để vượt qua tình trạng mệt mỏi, hãy tập thể dục nhẹ nhàng hằng ngày và có các quãng nghỉ ngắn trong suốt cả ngày làm việc.

Một số bệnh nhân có thể bị mất trí nhớ thường xuyên sau điều trị. Để tránh tình trạng này, hãy tạo một danh sách những việc cần làm và hẹn giờ nhắc nhở những cuộc gặp hay thời hạn quan trọng cần ghi nhớ.

Điều quan trọng khi quay trở lại với công việc là hãy dành thời gian chuẩn bị trước khi bạn trở lại và duy trì kế hoạch chăm sóc bản thân điều độ ngay khi bắt đầu.

ĐÃ ĐĂNG TRÊN Cuộc sống sau điều trị ung thư
GẮN THẺ chất lượng sống của bệnh nhân ung thư, chiến thắng ung thư
ĐƯỢC PHÁT HÀNH 07 THÁNG HAI 2018