Ung Thư Phụ Khoa & Sàn Chậu Yếu


Phụ nữ mắc các bệnh ung thư phụ khoa có thể bị yếu sàn chậu sau khi điều trị ung thư. Bác sĩ khách mời - Yap Lip Kee sẽ giải thích thêm về vấn đề vùng chậu và cách để kiểm soát tình trạng này.

Sàn chậu là một nhóm cơ nằm ở đáy xương chậu gồm ba lớp cơ chính kéo dài từ xương mu đến xương cụt.

Khi các cơ sàn chậu hoạt động cùng nhau, chúng sẽ thực hiện một số chức năng quan trọng cho các bộ phận cơ thể như bàng quang, ruột, chức năng tình dục và cố định cột sống.

Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng đối với những người mắc bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư phụ khoa (bao gồm ung thư nội mạc tử cung, buồng trứng và ung thư cổ tử cung). Ung thư phụ khoa và các phương pháp điều trị có tác động lớn đến chức năng sàn chậu, làm sàn chậu bị yếu dần hoặc rối loạn chức năng sàn chậu.

Rối loạn chức năng sàn chậu là gì?

Rối loạn chức năng sàn chậu là tình trạng các cơ sàn chậu không có khả năng co giãn và kết hợp để tạo ra nhu động ruột hoặc bàng quang. Các triệu chứng thường bao gồm: 

  • Tiểu không tự chủ (rò rỉ)
  • Bàng quang hoạt động quá mức (thường xuyên mắc tiểu)
  • Đại tiện không tự chủ (rò rỉ phân)
  • Đại tiện không hết
  • Táo bón
  • Sa cơ quan vùng chậu 

Sa cơ quan vùng chậu là biểu hiện rõ ràng và đau nhất khi bị rối loạn chức năng sàn chậu, mặc dù tình trạng này không phổ biến.

Các triệu chứng khác bao gồm đau và áp lực vùng chậu, đau khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, những triệu chứng này thường không liên quan đến rối loạn chức năng sàn chậu.

HÌNH MINH HỌA - Giải phẫu sàn chậu nữ

Tác động của rối loạn chức năng sàn chậu đối với cơ thể

Để chỉ ra tác động của rối loạn chức năng sàn chậu đối với các chức năng quan trọng của cơ thể, chúng ta hãy hình dung khung chậu như là “ngôi nhà” của các cơ quan vùng chậu như bàng quang, tử cung và trực tràng.

Các cơ sàn chậu là cấu trúc hỗ trợ giữ các cơ quan ở đúng vị trí trong cơ thể. Chức năng này là nhờ các cơ sàn chậu bám vào xương chậu và hình thành cơ quan giống một dây đai luồn quanh trực tràng giúp nâng đỡ các cơ quan trong cùng chậu.

Bây giờ hãy tưởng tượng trường hợp các cơ này bị suy yếu hoặc không thể hoạt động.

Khi các cơ sàn chậu quá giãn hoặc lỏng, bàng quang và niệu đạo (là ống dẫn từ bàng quang đến lỗ niệu đạo, qua đó nước tiểu bài tiết khỏi cơ thể) không thể giữ lại nước tiểu, dẫn đến tiểu không tự chủ. Tương tự, nếu các cơ nâng đỡ trực tràng lỏng có thể dẫn đến rò rỉ phân.

Ngược lại, khi các cơ sàn chậu quá căng hoặc chặt quanh bàng quang và niệu đạo, có thể dẫn đến tăng tần suất đi tiểu, hoặc tăng nhu cầu tiểu tiện (cảm giác mắc tiểu). Các cơ quanh trực tràng bị căng hoặc chặt cũng sẽ khó thải phân, biểu hiện tình trạng như táo bón, không thể đại tiện hoặc cảm giác muốn đi đại tiện liên tục nhưng không thể rặn ra phân.

Nguyên nhân rối loạn chức năng sàn chậu

Rối loạn chức năng sàn chậu thường xuất hiện sau khi điều trị ung thư khi các cơ sàn chậu và dây chằng bị yếu.

Ví dụ: phẫu thuật ung thư phụ khoa gây suy yếu rõ rệt và di lệch các cơ, dây chằng của khung chậu. Tình trạng này có liên quan đến các dạng phẫu thuật như:

  • Thu nhỏ khối u
    • Cắt bỏ ruột
    • Cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ bàng quang
  • Phẫu thuật cắt bỏ bộ phận 
    • Cắt tử cung (cắt bỏ tử cung) 
    • Cắt vòi trứng-buồng trứng (cắt bỏ ống dẫn trứng và buồng trứng)

Hóa trị và xạ trị cũng có thể làm xơ hóa hoặc cứng cơ sàn chậu. Điều này dẫn đến ống âm đạo bị làm ngắn hoặc hẹp. Triệu chứng thông thường của tình trạng này là tiểu không tự chủ, đau vùng chậu và rối loạn chức năng tình dục (chủ yếu là đau khi giao hợp, mất cảm giác kích thích và khoái cảm tình dục).

Rối loạn chức năng sàn chậu khá phổ biến ở bệnh nhân ung thư phụ khoa. Thống kê hiện nay có hơn 50% bệnh nhân nữ mắc bệnh ung thư phụ khoa bị tiểu không tự chủ, trong khi 10%–30% bệnh nhân điều trị phẫu thuật triệt căn bị sa cơ quan vùng chậu. Ngoài ra, 50% bệnh nhân nữ sống sót sau điều trị ung thư phụ khoa bị giảm chất lượng cuộc sống do sàn chậu yếu.

Kiểm soát tình trạng sàn chậu yếu

Chúng ta thường chỉ chú trọng nhiều đến việc chữa lành và tăng cường cơ sàn chậu sau khi mang thai và sinh con, nhưng lại ít chú trọng đến kiểm soát rối loạn chức năng sàn chậu sau khi điều trị ung thư phụ khoa.

May mắn thay, vẫn có nhiều cách để kiểm soát sàn chậu yếu do ung thư phụ khoa và việc điều trị sau đó.

Một số phương pháp làm giảm triệu chứng rối loạn chức năng sàn chậu bao gồm vật lý trị liệu, liệu pháp phản hồi sinh học và dùng thuốc. Nói chung, kết hợp giữa vật lý trị liệu và liệu pháp tăng cường cơ sàn chậu có thể giúp bệnh nhân phục hồi chức năng sàn chậu về bình thường. 

Khi bắt đầu điều trị, bác sĩ sẽ đánh giá tiền sử cơn đau, các triệu chứng, chức năng ruột và bàng quang, chế độ ăn uống, các yếu tố tâm sinh lý xã hội, nghề nghiệp, mức độ căng thẳng, tiền sử mang thai, chấn thương và thuốc men. Ngoài ra còn có kiểm tra tư thế đứng và ngồi.

Sau đó bác sĩ tiến hành đánh giá sàn chậu bao gồm kiểm tra bên ngoài - trong âm đạo và/hoặc trực tràng. Bác sĩ cần lưu ý đến vùng da và cơ bên ngoài đáy chậu, đồng thời cũng xử lý các vấn đề như kích ứng da, sàn chậu ngoài teo nhỏ hoặc không cân xứng.

Sau khi đánh giá toàn diện, bác sĩ sẽ xây dựng kế hoạch điều trị cá nhân giúp bệnh nhân kiểm soát tình trạng mình gặp phải.

Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến rối loạn chức năng sàn chậu sau khi điều trị ung thư phụ khoa, đừng quá lo lắng vì chúng ta vẫn có phương pháp điều trị. Cần trao đổi vối bác sĩ ung thư, bác sĩ phụ khoa hoặc bác sỹ vật lý trị liệu để được hướng dẫn và cải thiện hồi phục chức năng.

ĐÃ ĐĂNG TRÊN Các phương pháp điều trị ung thư, Cuộc sống sau điều trị ung thư
GẮN THẺ surgery, các chiến lược tự chăm sóc, hóa trị, ung thư cổ tử cung, ung thư phụ nữ (phụ khoa), xạ trị
Đọc thêm Ung thư buồng trứng , Ung thư cổ tử cung , Ung thư nội mạc tử cung
ĐƯỢC PHÁT HÀNH 01 THÁNG NĂM 2023