Hoa quả chống ung thư: Sự thật hay Hiểu lầm?

Đóng góp bởi: Gerard Wong

Phép lạ.....hay lời đồn?

Một số loại trái cây và chiết xuất của chúng được cho là có ích trong điều trị ung thư. Liệu đây là lời đồn hay sự thật? Hãy cùng chuyên gia dinh dưỡng Gerard Wong đến từ Trung tâm Ung thư Parkway cùng xem xét vấn đề này.

Quả măng cụt

Đây là loại cây trồng nhiệt đới có nguồn gốc ở Đông Nam Á, được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị nhiễm trùng da, vết thương và tiêu chảy. Điều này đã thúc đẩy suy nghĩ rằng nước ép măng cụt điều trị ung thư. Những sản phẩm chứa loại quả này được bày bán rộng rãi như “thực phẩm bổ sung thực vật”.

Sự thật về đặc tính chữa bệnh của măng cụt: Da của loại quả này là nguồn giàu chất polyphenol – chất dinh dưỡng vi lượng được tìm thấy trong thực phẩm từ thực vật – hay còn được biết đến là xanthones. Xanthones từ quả măng cụt có đặc tính chống vi khuẩn, chống nấm, chống viêm và chống ung thư. Tuy nhiên, chỉ một vài xanthones có đặc tính này, và chỉ có tác dụng với một số loại ung thư nhất định.

Tuy nhiên, hiệu quả của măng cụt như là một nguồn chữa bệnh ung thư lại chưa được chứng minh. Chưa có đủ bằng chứng thuyết phục để chứng minh tác dụng của nó. Và cũng không có đủ bằng chứng về lợi ích sức khỏe của “thực phẩm bổ sung thực vật” chứa trong măng cụt.

Mãng cầu xiêm

Mãng cầu xiêm được sử dụng rỗng rãi ở nhiều nước như một liệu pháp chữa bệnh truyền thống cho các bệnh thông thường. Tại Châu Phi, loại quả này được sử dụng để điều trị ho, các cơn đau và bệnh về da. Tại Ấn Độ, quả và hoa loại này được sử dụng để chống đờm. Và ở Malaysia, hỗn hợp của lá cây mãng cầu và cây dâm bụt được cho là để phòng tránh ngất xỉu.

Các chiết xuất mãng cầu được đồn là có thể giết chết được một số tế bào ung thư gan và vú. Quả thực, các chiết xuất từ lá cây mãng cầu đã cho thấy các đặc tính chống viêm, diệt nấm và chống vi khuẩn ở động vật. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào chứng minh trên người.

Có một số tác dụng phụ khi ăn quá nhiều mãng cầu: Một số hóa chất có trong mãng cầu có thể gây ra sự thay đổi thần kinh và rối loạn vận động khi được tiêu thụ một lượng lớn.

Chất Laetrile

Laetrile, hay amygdalin/vitamin B17, là một hợp chất hóa học tự nhiên được tìm thấy ở trong hạt của quả mơ, táo, đào và hạnh nhân tươi.

Laetrile bị phân hủy bởi enzim trong ruột để tạo ra cyanide, là chất gây độc cho tế bào – gây nguy hại cho tế bào sống. Điều này đã thúc đẩy các tuyên bố rằng hạt mơ và các loại hạt khác chứa laetrile có thể chữa ung thư bằng cách giết các tế bào ung thư nhưng lại không gây hại cho các tế bào bình thường.

Các nghiên cứu trên động vật cho kết quả ngược lại. Một thử nghiệm lâm sàng được thực hiện vào cuối những năm 1970, được Viên Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ hỗ trợ đã không tìm thấy amygdalin có lợi. Trên thực tế, một số bệnh nhân còn bị ảnh hưởng tới độc tố của cyanide.

Một cuộc rà soát có hệ thống đã kết luận rằng amygdalin không hiệu quả đối với bệnh nhân ung thư. Laetrile đã bị cấm bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, chất này vẫn được tiếp tục lưu hành dưới tên “Vitamin B17”.

Lựu

Nước ép lựu được giới thiệu là giúp làm giảm lượng cholesrerol và huyết áp, một công bố được chứng nhận bởi nhiều nghiên cứu. Các nghiên cứu gần đây cho thấy tính hữu dụng của quả lựu có thể giúp ngăn ngừa hoặc chữa bệnh ung thư.

Một số kết quả cho thấy chiết xuất từ lựu ức chế chọn lọc sự phát triển của các loại tế bào ung thư vú, tiền liệt tuyến, đại tràng và phổi trong nuôi cấy.

Trong một số nghiên cứu gần đây, hỗn hợp trà xanh, lựu, bông cải xanh và gừng được coi là thực phẩm bổ sung giúp làm giảm tỷ lệ tăng kháng nguyên đặc hiệu tiền liệt tuyến (PSA) ở nam giới mắc ung thư tiền liệt tuyến. Tuy nhiên, hiệu quả này không thể chỉ là do nước trái cây, và các dữ liệu cũng khá mâu thuẫn.

Quả thực, nhiều nghiên cứu chưa thuyết phục, bởi các nghiên cứu thực hiện trên người rất hạn chế.

Chẳng hạn, các nghiên cứu chỉ ra rằng chiết xuất từ trái lựu có thể giúp làm giảm lượng estrogen, tuy nhiên chưa có chứng minh về tác dụng đối với ung thư vú và trên người chưa được chứng minh.

Mặc dù chưa có tác dụng phụ nào ghi nhận được ở nam giới uống 240ml nước ép lựu mỗi ngày trong vòng 2 năm, những người mắc bệnh tiểu đường cần lưu ý hàm lượng đường có trong nước ép.

Nước ép trái nhàu

Xuất phát từ loại trái cây nhiệt đới có tên gọi là Morinda Cotrifolia (hay được biết đến phổ biến như là dâu tằm Ấn Độ), nước ép trái nhàu được các dân tộc vùng Polynesia sử dụng như một phương thuốc truyền thống chống viêm nhiễm và thuốc bổ.

Thí nghiệm và các nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng loại nước quả này có đặc tính kháng khuẩn, chống nấm, kháng viêm và chống oxi hóa và ngăn ngừa ung thư ở động vật. Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng chưa cho thấy tác dụng tương tự ở người.

Trong khi nước ép trái nhàu cho thấy hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ mệt mỏi buồn nôn sớm trước phẫu thuật, nó cũng được khuyến cáo rằng có thể gây viêm gan cấp, ít nhất 1 trường hợp người phụ nữ 62 tuổi uống 2 lít nước ép mỗi trái nhàu mỗi ngày trong vòng hơn 3 tháng.

Nước ép trái nhàu cũng chứa một lượng lớn đường và kali, có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân bị tiểu đường và các bệnh về thận.

Nước Jamu

Nước Jamu là một phương thuốc thảo dược truyền thống của Indonesia được làm từ các loại rễ, vỏ cây, hoa, hạt và quả. Có nhiều biến thể của thuốc, các loại chế biến từ gốc cây bao gồm nghệ, me và đường cọ.

Nước Jamu từ lâu được tin là một phương thuốc chữa trị cho tất cả các bệnh, bao gồm ung thư.

Nghệ được chứng minh rằng có khả năng chống viêm và chất chống oxy hóa. Trong một thử nghiệm liên quan tới bệnh nhân uống tinh chất nghệ (một chất trong củ nghệ) trước khi tiến hành phẫu thuật, kết quả là nó giúp ngăn ngừa sút cân và chứng mất cảm giác thèm ăn. Trong một thử nghiệm khác, nghệ được sử dụng để giảm thiểu các tác dụng phụ của việc điều trị.

Khi các loại kem chiết xuất từ nghệ được bệnh nhân mắc ung thư đầu và cổ sử dụng trong quá trình xạ trị, nó cho thấy tác dụng tốt trong việc giảm thiểu chứng viêm da do xạ trị. Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy nghệ có tác dụng chống ung thư ở loài chuột đã bị phơi nhiễm chất gây ung thư.

Tuy nhiên, các nghiên cứu trên người vẫn còn hạn chế để có thể chứng minh đặc tính chống ung thư.

Bên cạnh đó, nghệ có gây ra một số tác dụng phụ. Bởi đặc tính chống tiểu cầu, nghệ có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Nó cũng có thể gây tác động vào các hoạt động của các loại thuốc hóa trị trong việc điều trị ung thư vú.

Cuối cùng… cẩn thận trong ăn uống

Ung thư là một căn bệnh phức tạp gây ảnh hưởng khác nhau với mỗi người khác nhau, và việc tin rằng chỉ một loại thực phẩm hoặc hoa quả có khả năng diệt trừ hoặc ngăn ngừa ung thư là quá đơn giản hóa.

Có thể một số loại hoa quả và chiết xuất của chúng có thể chứa những đặc tính chống ung thư, nhưng chưa có chứng minh rằng chúng có thể ngăn ngừa hay diệt các tế bào ung thư trong quá trình điều trị.

Cuối cùng, một chế độ ăn cân bằng và lối sống lành mạnh vẫn là chìa khóa chính để giảm nguy cơ mắc ung thư, đối phó với điều trị ung thư và phục hồi tốt sau điều trị.

ĐÃ ĐĂNG TRÊN Dinh dưỡng
GẮN THẺ các loại thảo mộc chống ung thư, các quan niệm sai lầm, chế độ ăn và dinh dưỡng cho người mắc ung thư, ngăn ngừa ung thư, thực phẩm và nấu ăn lành mạnh, ung thư đầu & cổ (Tai Mũi Họng)
ĐƯỢC PHÁT HÀNH 27 THÁNG MƯỜI MỘT 2017