Người chăm sóc bệnh nhân ung thư: 7 mẹo chăm sóc bản thân


Chăm sóc…bản thân

Đối với người người chăm sóc bệnh nhân, hỗ trợ những người thân yêu trong cuộc hành trình điều trị ung thư, vừa để thể hiện tình thương nhưng nhiều khi cũng quá sức. Trong khi chăm sóc người khác, những người chăm sóc có thể quên mất việc chăm sóc bản thân hay không chú ý tới những nhu cầu của chính họ.

Do đó, theo thời gian, những người chăm sóc có thể nhanh chóng cảm thấy kiệt sức về mặt thể chất, cảm xúc lẫn tinh thần. Họ có thể dễ bị ốm, thay đổi thói quen ăn uống hay nghỉ ngơi, và mất đi niềm vui thích với những sở thích và giải trí. Hoặc, họ có thể bị thay đổi cảm xúc và thay đổi thái độ từ tích cực và nhiệt huyệt thành tiêu cực và thờ ơ.

Trong khi việc chăm sóc người thân là rất quan trọng, việc tự chăm sóc bản thân cũng quan trọng không kém đối với những người chăm sóc để họ có sức khỏe chăm sóc cho người khác.

Nếu bạn là người chăm sóc, đây là một vài gợi ý để tránh tình trạng kiệt sức:

1) Sắp xếp

Cố gắng hoàn thành nghĩa vụ của một người chăm sóc có thể rất chán nản và mệt mỏi. Tạo ra một danh sách các công việc thực tế hằng ngày giúp bạn luôn làm việc có kế hoạch theo thứ tự ưu tiên.

2) Luân phiên nhiệm vụ chăm sóc

Đừng ngại tìm hỗ trợ. Hãy tìm một người khác làm người chăm sóc thay thế để bạn có thể nghỉ ngơi. Điều này giúp giảm sự phụ thuộc vào bạn là người chăm sóc chính. Hãy học cách chấp nhận lời đề nghị giúp đỡ từ người khác, và hãy nhờ họ những việc cụ thể và nhỏ nhặt họ có thể làm cho bạn.

3) Dành thời gian cho bản thân

Duy trì hoạch định và yêu cầu giúp đỡ sẽ cho phép bạn phân bổ thời gian cho chính mình. Tự chăm sóc có chủ ý là rất quan trọng bởi bạn cần nạp đầy về cả thể chất, tinh thần và cảm xúc trước khi trở lại với nghĩa vụ chăm sóc. Tiếp tục với việc đọc sách, nghe các bản nhạc yêu thích hoặc tham gia các hoạt động hoặc sở thích của mình, hãy tạo cơ hội cho bản thân cơ hội thư giãn và tỉnh táo.

4) Các bài tập thư giãn

Đặt thời gian đều đặn luyện tập các bài tập thư giãn như thiền, hít thở sâu, yoga, hay mát-xa dầu thơm. Hãy chọn không gian tĩnh lặng và bình yên để giúp bạn bình tĩnh và thư giãn – đó có thể là một góc nhỏ trong nhà, công viên, bãi biển. Hãy giữ bản thân tránh xa khỏi những phân tán và cho phép bản thân đắm chìm vào khoảng thời gian thư thái. Điều này sẽ làm những căng thẳng hằng ngày của một người chăm sóc.

5) Giữ sức khỏe

Tập thể dục không chỉ cải thiện sức khỏe thể chất mà còn giảm căng thẳng và lo âu. Trong khi luyện tập, cơ thể bạn giải phóng endorphin, dopamine và serotonin là những hóc môn có thể cải thiện tâm trạng và giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Ngoài ra, hãy ăn uống lành mạnh với chế độ ăn cân bằng và thiết lập thói quen ngủ đúng giờ.

6) Duy trì kết nối

Nỗ lực để giữ kết nối với các thành viên trong gia đình và bạn bè, những người có thể hỗ trợ về mặt tinh thần. Dành thời gian cho bạn bè như thưởng trà, xem phim và đi bộ.

Làm quen với những người chăm sóc khác bằng cách tham gia hay tổ chức các kết nối nhằm hỗ trợ trao đổi thông tin và kinh nghiệm để  có thể khuyến khích lẫn nhau. Bạn cũng có thể tham gia các hội thảo chăm sóc để bổ trợ thêm những kỹ năng mới, hoặc tham dự các chương trình tâm lý – giáo dục để phát triển các kỹ năng đối phó cảm xúc và khả năng phục hồi. Duy trì kết nối giúp bạn biết rằng mình không hề đơn độc.

7) Tìm tới chuyên gia giúp đỡ khi cần

Nếu bạn cảm thấy bị áp đảo về sức khỏe, thói quen hằng ngày và các mối quan hệ bị ảnh hưởng, hãy cân nhắc tìm trợ giúp từ chuyên gia tư vấn. Trò chuyện với chuyên gia cho phép bạn thể hiện suy nghĩ và cảm xúc trong một môi trường an toàn và không phán xét. Bạn có thể nhìn thấy các khía cạnh mới về việc chăm sóc và cân bằng giữa nhu cầu của bản thân và của người thân.

Chuyển thể từ nguồn CanHOPE. CanHOPE là một tổ chức tư vấn và hỗ trợ không lợi nhuận thiết lập bởi Trung tâm Ung thư Parkway. Để tìm hiểu thêm thông tin, truy cập: https://www.canhope.org

ĐÃ ĐĂNG TRÊN Chăm sóc
GẮN THẺ các chiến lược tự chăm sóc, mệt mỏi, người chăm sóc cho bệnh nhân ung thư
ĐƯỢC PHÁT HÀNH 18 THÁNG BẢY 2018