Tin tức & Bài báo

Hành trình của một vận động viên 3 môn phối hợp: Chiến đấu với bệnh ung thư vú bằng tình yêu

Trải qua quãng thời gian vật lộn với căn bệnh ung thư vú, hóa trị và điều trị ở nước ngoài, cô Marcella Pesce đã tìm thấy sức mạnh từ người thân, và sức mạnh nội tại trong chính bản thân mình.
LÀ MỘT NỮ VẬN ĐỘNG VIÊN BA MÔN PHỐI HỢP VÀ ĐAM MÊ THỂ THAO VỚI LỊCH TRÌNH DÀY ĐẶC, bà Marcella Pesce, 53 tuổi, chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó bà sẽ phải nằm liệt giường, chịu đựng cảm giác mệt mỏi dai dẳng do hóa trị ung thư vú tác động. Bà chia sẻ: “Tinh thần của tôi bị ảnh hưởng nhiều hơn là thể chất, tôi cảm thấy mình đã mất đi sự sống”. “Tôi cảm thấy mình như là tù nhân. Tôi từng là một người rất năng động, nhưng giờ đây tôi dần không còn nhận ra bản thân mình nữa?”
Trong giai đoạn thăng trầm ấy, bà đã trải lòng về cuộc chiến tinh thần vào từng trang nhật ký: “Mọi thứ đều chìm trong im lặng. Cuộc sống bên ngoài phòng bệnh cứ trôi qua một cách chậm rãi, cơ thể của tôi ban đầu vẫn luôn cố gắng chiến đấu, nhưng sau đó chỉ có thể đầu hàng. Tôi nằm lỳ trên giường bệnh chờ đợi thời gian trôi qua, không còn chút sức lực để cử động. Tôi muốn được chìm vào giấc ngủ yên bình, nhưng việc đó giờ đây khó mà có được.”
Chẩn đoán gây sốc
Năm 2019, Marcella chuyển đến Singapore cùng chồng và bốn người con trai. Nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới, bà đã kết thân cùng một nhóm bạn để cùng nhau khám phá thành phố và nền văn hóa tại đất nước Singapore. Cuộc sống của bà tưởng chừng viên mãn. Cho đến tháng 8 năm 2023, sau khi kiểm tra sức khỏe, kết quả chụp nhũ ảnh của bà phát hiện dấu hiệu bất thường.
Mặc dù kết quả chụp vào đầu tháng 5 không có bất thường, bà đã quay lại để kiểm tra lần nữa sau khi sờ thấy các nốt sần lúc tự kiểm tra. Cùng ngày hôm đó, một bác sĩ chuyên khoa ung thư đã đưa ra một tin gây sốc: họ phát hiện bà có 3 tổn thương ở vú, hai nhỏ và một lớn, và cần phải tiến hành làm sinh thiết.
Tình hình trở nên nghiêm trọng khi bác sĩ giục bà đến nhận kết quả sinh thiết càng sớm càng tốt để lên lịch chụp chiếu và xét nghiệm thêm. Marcella lúc đó đã lên kế hoạch du lịch đến nước Ý trong 10 ngày, nhưng bà vẫn miễn cưỡng nghe theo lời bác sĩ. Bà lúc đầu dự định sẽ nhận kết quả sau khi quay về Singapore.
“Tôi đến Ý lúc 6 giờ sáng thứ Tư. Khi bắt đầu kiểm tra điện thoại, email thông báo chẩn đoán ung thư vú của tôi được gửi đến", Marcella hồi tưởng. "Đó chính là khoảnh khắc tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi. Tôi gục khóc tại sân bay và gọi điện cho chồng tôi lúc đó đang làm việc tại Tokyo. Thật kinh khủng, lúc ấy tôi chỉ muốn quay về Singapore ngay lập tức".
Chăm sóc tận tình và những quyết định khó khăn
Phải báo tin cho hai người con trai thứ ba và thứ tư, 13 tuổi và 8 tuổi, là một trong những khoảnh khắc khó khăn nhất. Hai người con trai lớn của bà đang du học nước ngoài, vì vậy bà và chồng phải cùng nhau giải thích tình hình cho hai người con trai nhỏ hơn. “Điều đầu tiên mà con trai 13 tuổi của tôi nói là ‘Nhiều người đã chết vì bệnh ung thư,” bà vừa khóc vừa nhớ lại. “Tôi phải trấn an con rằng: ‘Mẹ sẽ không chết.’”
Bà đã từng giày vò bản thân vì đã khiến các con phải hứng chịu đả kích tinh thần quá lớn, nhưng một người bạn đã lắng nghe và xoa dịu rằng: “Mặc dù bi kịch ập đến nhưng nó cũng mang đến cho các con những bài học. Tôi đã chứng minh cho bọn trẻ rằng cho dù giờ đây tôi phải sống chung cùng ung thư, nhưng tôi sẽ dũng cảm và quyết tâm vượt qua được nghịch cảnh”, Marcella chia sẻ.
Vào tháng 12 năm 2023, bà Marcella đã trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú vì các tổn thương không nằm gần nhau và phương án cắt bỏ một phần sẽ không xử lý được triệt để. Cũng trong thời gian này, kết quả sinh thiết hạch gác cửa của bà phát hiện ra rằng một trong số các hạch xét nghiệm có dấu hiệu di căn. Điều này có nghĩa là ung thư đang ở giai đoạn 2, không phải giai đoạn 1 như chẩn đoán ban đầu. Do đó, kế hoạch điều trị cần phải hóa trị và xạ trị ngăn ngừa, và kế hoạch tái tạo vú sẽ phải hoãn lại.
Marcella vẫn kiên định. Bà nhất quyết phải hoàn thành kỳ nghỉ gia đình đã lên kế hoạch từ lâu ở New Zealand với bốn người con trai sau ca phẫu thuật. Khi trở về, bà sẽ hoàn thành 8 chu kỳ hóa trị theo khuyến nghị trong vòng 4 tháng thay vì 6 tháng, tiếp tục sau đó là 15 ngày xạ trị.
“Lúc đó là tháng 1 năm 2024. Tôi nói với bác sĩ rằng tôi không có thời gian để thực hiện 6 tháng hóa trị vì vào mùa hè, tôi muốn đưa các con tôi đi du lịch tại Ý. Về mặt y khoa, điều trị phải bắt đầu càng sớm càng tốt, nhưng sẽ khá khó khăn cho bệnh nhân”, Marcella nói.
Sau hai đợt hóa trị đầu tiên, các tác dụng phụ dần tích tụ và làm bà kiệt sức. “Bắt đầu từ đợt thứ ba trở đi, chỉ có 3 ngày trong 2 tuần là tôi có thể đứng dậy trong khoảng hai phút, còn phần lớn thời gian tôi chỉ có thể nằm trên giường”.
Sức mạnh của tình thân
Chồng và bạn bè của Marcella thay phiên nhau đồng hành cùng bà trong các buổi hóa trị, mọi người muốn đảm bảo rằng bà không bao giờ đơn độc.
Chồng bà, người được trìu mến gọi là "thiên thần hộ mệnh", chính là “bức tường thành vững chãi” cùng bà đi qua hành trình chiến đấu với ung thư. Bà chia sẻ: "Ông ấy là bờ vai để tôi dựa vào trong giây phút đen tối nhất cuộc đời, là đôi mắt thay cho người vợ kiệt quệ này sau ca phẫu thuật, là đôi tai khi đầu óc tôi không còn tiếp thu được lời bác sĩ nói, và là y tá ân cần khi phụ trách tiêm tế bào bạch cầu cho tôi".
Để vực dậy tinh thần của vợ, ông đã mang về nhà một bất ngờ: Paco - một chú chó Maltipoo, người bạn đồng hành bốn chân đã trở thành nguồn an ủi của bà trong những lúc khó khăn nhất. Bà mỉm cười nói: "Tôi và Paco đã dành rất nhiều thời gian bên nhau trong suốt quá trình hóa trị, và giờ đây tôi với nó như là hình với bóng không thể rời xa nhau".
Khi Marcella ngày càng tự ti hơn về ngoại hình sau ca phẫu thuật cắt bỏ vú, và hóa trị khiến bà phải cạo trọc hoàn toàn, một người bạn từ Ấn Độ đã đưa bà đến với thiền định. Thiền định từ đó đã giúp bà dần thay đổi suy nghĩ và trân trọng khả năng phục hồi của cơ thể nhiều hơn. “Tôi đã học cách yêu thương cơ thể mình. Tôi cảm ơn thượng đế vì mình không bị chứng không dung nạp hóa trị, không bị cúm hoặc nhiễm trùng mặc dù lượng bạch cầu của tôi đã giảm mạnh, và cảm ơn bản thân vì đã chịu đựng được những đau khổ này”.
Khi đi đến cột mốc hoàn thành quá trình điều trị, bà đã ăn mừng bằng bữa tiệc bãi biển vui vẻ cùng bạn bè và gia đình, Marcella rất háo hức được quay trở lại cuộc sống năng động ngày trước. Bà đã tham gia cuộc thi ba môn phối hợp ở Batam vào năm ngoái cùng với chồng.
Trải nghiệm của bà Marcella khi chiến đấu với căn bệnh ung thư đã thúc đẩy bà làm việc thiện nguyện. Bà đã gây quỹ cho Quỹ ung thư vú và nộp đơn xin tham gia chương trình tình nguyện của. Động lực của bà xuất phát từ việc chứng kiến nhiều bệnh nhân ung thư vú phải trải qua quá trình hóa trị một mình, không có gia đình và bạn bè bên cạnh.
Suy ngẫm về hành trình chống chọi với căn bệnh ung thư, Marcella đã tìm ra câu trả lời cho khúc mắc vẫn còn ám ảnh bà bấy lâu nay: “Tôi vẫn là chính mình chứ? Có chứ. Ánh sáng bên trong tôi chưa bao giờ tắt, và nó sẽ tiếp tục tỏa sáng hơn nữa. Tôi tuy đã xa quê hương và gia đình ở Ý, nhưng tôi vẫn nhận được vô vàn tình thương xung quanh mình và không bao giờ cảm thấy cô đơn”.
“Mặc dù bi kịch ập đến nhưng nó cũng mang đến cho các con những bài học. Tôi đã chứng minh cho bọn trẻ rằng cho dù giờ đây tôi phải sống chung cùng ung thư, nhưng tôi sẽ dũng cảm và quyết tâm vượt qua được nghịch cảnh”.
ĐÃ ĐĂNG TRÊN | Cuộc sống sau điều trị ung thư, Gặp gỡ và Trò chuyện, Tập thể dục |
GẮN THẺ | câu chuyện của bác sĩ chuyên khoa ung thư, chụp nhũ ảnh vú, kinh nghiệm với bệnh nhân ung thư, phẫu thuật cắt bỏ vú, quản lý cảm xúc, rụng tóc khi điều trị ung thư, Story of Hope, ung thư và tập luyện, ung thư vú |
Đọc thêm | Ung thư vú |
ĐƯỢC PHÁT HÀNH | 01 Tháng Hai 2025 |