8 lời khuyên khi bị chẩn đoán mắc ung thư


Chiến đấu với ung thư

Bị chẩn đoán mắc ung thư là điều rất khó tiếp nhận. Dưới đây là một trong những cách giúp bạn đương đầu với căn bệnh trước và sau khi điều trị cả về thể chất, tinh thần lẫn cảm xúc.

Không sao cả khi bạn cảm thấy sợ hãi, lo lắng, bối rối và bị lấn át khi nghe tin mắc ung thư. Đây đều là những phản ứng phổ biến và tự nhiên, bạn không cần phải giấu giếm hay tỏ ra bình tĩnh như thể mọi sự vẫn ổn.

Sàng lọc thông tin

Tìm kiếm các thông tin chính xác sẽ giúp bạn giải tỏa được nỗi sợ hãi và lo lắng do thiếu hiểu biết. Đừng ngần ngại hỏi bác sĩ các thông tin chi tiết, lời khuyên hữu ích, và bất kỳ thông tin nào có lợi cho bạn. Hãy ghi lại các câu hỏi và mối quan tâm trước khi tới gặp bác sỹ để tránh tình trạng quên hay bỏ lỡ, hãy nhờ bạn bè hoặc thành viên trong gia đình đi cùng để có thể cùng lắng nghe thông tin bác sĩ chuyển tải.

Thoải mái chia sẻ

Những sự giao tiếp cởi mở và thành thật với những người thân yêu và chăm sóc mình sẽ giúp bạn cảm thấy luôn được ủng hộ trong suốt cuộc hành trình, và cũng có thể giúp bạn hiểu thêm về những gì mình đang trải qua. Không phải lúc nào cũng hiệu quả khi tỏ ra dũng cảm và không phải ai cũng có người thân yêu bên cạnh những lúc khó khăn. Việc giao tiếp chân thành có thể giúp bạn đưa ra những lựa chọn tốt hơn và nhận được hỗ trợ tốt hơn.

Xác định cảm xúc

Trải lòng với các thành viên trong gia đình, bạn bè, cố vấn tinh thần hoặc chuyên gia tư vấn có thể tiếp thêm cho bạn sức mạnh về mặt cảm xúc. Bạn có thể thử nghiệm các liệu pháp thư giãn  hoặc tìm kiếm các nguồn hỗ trợ tinh thần. Nếu hiệu quả, hãy dành thêm thời gian cho bản thân, để thu thập và củng cố suy nghĩ. Việc bị chẩn đoán mắc ung thư đòi hỏi sự nhìn nhận lại về giá trị bản thân, và điều này có thể ảnh hưởng tới các quyết định cũng như mối quan hệ của bạn với những người thân yêu.

Hãy nhận sự trợ giúp từ người khác

Đón nhận yêu thương và sự giúp đỡ thiết thực từ những người bạn và thành viên trong gia đình. Hãy học cách đón nhận những đề nghị trợ giúp thực hiện công việc nhà và các việc lặt vặt khác, điều này có thể củng cố tính đoàn kết và tương trợ lẫn nhau.

Trò chuyện với người khác

Lắng nghe những bệnh nhân và người từng mắc ung thư có thể mang lại sự thoải mái và cảm hứng, bạn sẽ thấy rằng mình không hề đơn độc trong hành trình chống lại ung thư. Họ có thể cho bạn những lời khuyên hữu ích và nhìn nhận đúc kết từ kinh nghiệm cá nhân. Hãy trò chuyện với bạn bè hoặc các thành viên trong gia đình, những người đã từng mắc ung thư, hay tham gia vào các nhóm hỗ trợ.

Giữ sức khỏe

Ăn uống lành mạnh để củng cố năng lượng. Hãy tìm một chuyên gia dinh dưỡng để giúp bạn lên kế hoạch chế độ ăn uống hợp lý với nhiều đồ ăn tươi sống và không chứa chất bảo quản. Các bài tập nhẹ nhàng sẽ giúp bạn đương đầu với mệt mỏi. Hãy thử đi bộ sau bữa ăn và thực hiện các bài tập giãn cơ, đảm bảo rằng bạn nghỉ ngơi đầy đủ.

Chuẩn bị cho những thay đổi

Những sự thay đổi trong giai đoạn mắc bệnh và điều trị là điều khó tránh khỏi. Bạn nên chuẩn bị tinh thần để thích nghi. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về những kỳ vọng, chẳng hạn, liệu bạn có bị rụng tóc, buồn nôn, hay suy giảm thể chất. Bạn có thể tham gia các buổi hướng dẫn hoặc các nhóm hỗ trợ để giúp bạn kiểm soát những biến đổi.

Duy trì các thói quen

Khi có thể, hãy cố gắng duy trì những hoạt động giúp bạn quên đi bệnh tật và mang lại niềm vui hay sự trọn vẹn. Đó có thể là những sở thích, như chơi đàn piano, nghe nhạc, vẽ tranh. Nhưng đừng vận động quá sức, mà hãy tập từ từ và nhẹ nhàng với bản thân – cùng với những người xung quanh. Hãy tập vào cùng một lúc mỗi ngày!

Chuyển thể từ nguồn của CanHOPE. CanHOPE là một dịch vụ tư vấn và hỗ trợ ung thư phi lợi nhuận được cung cấp bởi Trung tâm Ung thư Parkway. Để biết thêm thông tin, hãy truy cập: https://www.canhope.org

ĐÃ ĐĂNG TRÊN Sức khỏe tâm lý
GẮN THẺ các mẹo khi mắc ung thư, chẩn đoán ung thư, quản lý cảm xúc
ĐƯỢC PHÁT HÀNH 08 THÁNG NĂM 2018